Ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình thủy
- Tổng chỉ tiêu: 156
- Mã ngành: 7580202
- Tổ hợp xét tuyển: A00, A01
- Điểm xét tuyển học bạ: từ 16 điểm
- Học phí 2024: 23.9tr/năm (thấp nhất ĐHBK)
- Thời gian đào tạo (tín chỉ): 4 – 5.5 năm
- Bằng tốt nghiệp Đại học (Cử nhân), Bằng Kỹ sư ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình thủy
Đặc biệt ngành có đào tạo hệ Liên thông Chính quy và Vừa làm vừa học.
[Bạn có biết???] Thông tin tuyển sinh năm 2023:
Tổng chỉ tiêu: 170
Điểm xét tuyển của ngành: Theo phương thức học bạ: 18.68; Theo phương thức thi THPT: 17.0
GIỚI THIỆU CHUNG
Ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình thủy tiền thân là ngành Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện thuộc trường Đại học Bách Khoa- Đại học Đà Nẵng. Thế hệ kỹ sư đầu tiên được đào tạo vào năm một 1976. Qua gần 45 năm xây dựng và trưởng thành, hàng ngàn kỹ sư Xây dựng Công trình thủy đã được đào tạo, đóng góp lớn vào công cuộc xây dựng đất nước. Đăc biệt trong các lĩnh vực trị thuỷ, phòng chống thiên tai, quản lý nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đội ngũ giảng viên: Tự hào là ngành truyền thống của trường với đội ngũ giảng viên hầu hết đều có trình độ tiến sĩ và có nhiều năm kinh nghiệm. Các giảng viên có trình độ chuyên môn cao, luôn luôn tận tâm, nhiệt tình trong công tác giảng dạy. Ngoài ra, đây cũng là ngành có tỉ lệ giảng viên trên sinh viên cao nên các bạn sinh viên sẽ có nhiều cơ hội hơn để học hỏi, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng.
Môi trường học tập: Sinh viên theo học ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình thủy được tham gia học tập, giao lưu trong một tập thể sinh viên nhiệt tình, sôi nổi và năng động. Có nhiều câu lạc bộ của ngành với các hoạt động thú vị, bổ ích, hỗ trợ cho sinh viên phát triển các kỹ năng mềm và các kỹ năng cần thiết khác trong cuộc sống.
Quản lý thi công các công trình xây dựng
Ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám và các công cụ hiện đại trong quản lý tài nguyên nước
Tính toán ngập lụt, thoát nước trong xây dựng đô thị thông minh
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Ngành Xây dựng Công trình thủy bao gồm 130 tín chỉ (cử nhân) hoặc 180 tín chỉ (kỹ sư), thời gian đào tạo 4 – 5.5 năm. Chương trình đào tạo truyền thống được xây dựng để sinh viên có được những kiến thức chung về xây dựng, trong đó chuyên sâu về xây dựng công trình thủy:
+ Khối các kiến thức cơ bản, cơ sở đáp ứng yêu cầu đối với nhóm các ngành khối kỹ thuật xây dựng;
+ Các môn học cơ sở ngành và chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ thiết kế các công trình thủy, chỉnh trị sông, quy hoạch quản lý tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu;
+ Các môn học tự chọn giúp cho sinh viên linh hoạt định hướng công việc tương lai của mình sang các lĩnh vực và ngành khác như: ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý xây dựng cơ bản, thiết kế – thi công công trình thủy. Sinh viên được tiếp cận với các phương pháp và phần mềm tính toán tiên tiến;
+ Kỹ năng của sinh viên được tích lũy qua các môn học lý thuyết, đồ án môn học, tham quan, thực tập, và đồ án môn học thông qua các hình thức kiểm tra đánh giá đa dạng như: bài tập về nhà, thi tự luận, vấn đáp và trắc nghiệm.
Đặc biệt chương trình được thiết kế các môn học theo phương pháp dạy học qua dự án (Project-based Learning – PBL). Phương pháp này được các nước tiên tiến đánh giá là phù hợp và giúp sinh viên áp dụng các kỹ năng liên môn, liên ngành để đạt được những kỹ năng vượt ra khỏi nội dung sách vở thuần túy. PBL sẽ giúp sinh viên tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu, tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình.
Chương trình đào tạo được xây dựng và tham khảo từ các chương trình của các nước tiên tiến trên thếgiới. Sinh viên sẽ trải qua thời gian đào tạo trung bình là 4 năm. Hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ tạo ra sự linh hoạt cho người học, cho phép người học có thể học tập song song hai ngành cùng lúc. Trong quá trình học sinh viên được đi thực tế tại công trình trị xây dựng công trình thủy, được thực tập và làm đồ án tại các doanh nghiệp, cơ quan.
CHUẨN ĐẦU RA
Sau khi tốt nghiệp, Cử nhân ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình thủy của trường Đại học Bách khoa –Đại học Đà Nẵng có năng lực (khả năng):
1. Có khả năng áp dụng kiến thức về Toán, khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ trong phân tích, thiết kế, thi công, vận hành, đánh giá và nghiên cứu các vấn đề trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng công trình thủy, quản lý và khai thác tài nguyên nước;
2. Có khả năng tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, tư duy khởi nghiệp; có đạo đức trách nhiệm nghề nghiệp; ứng xử chuyên nghiệp;
3. Có khả năng làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả và sử dụng ngoại ngữ trong lĩnh vực chuyên môn;
4. Có trình độ ngoại ngữ TOEIC 450 hoặc tương đương; có kỹ năng sử dụng Công nghệ thông tin cơ bản theo quy định hiện hành (hiện tại là Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT);
5. Có khả năng hình thành ý tưởng, lập kế hoạch, quản lý điều hành hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng công trình thủy, quản lý và khai thác tài nguyên nước phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp, xã hội, môi trường.
Sau khi tốt nghiệp, Kỹ sư ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình thủy của trường Đại học Bách khoa –Đại học Đà Nẵng có năng lực (khả năng):
1. Có khả năng áp dụng kiến thức về Toán, khoa học, kỹ thuật gắn với ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy, quản lý và khai thác tài nguyên nước, các kiến thức liên ngành xây dựng nhằm phân tích, thiết kế, thi công, vận hành, nghiên cứu, đánh giá và giải quyết hiệu quả các vấn đề kỹ thuật mới, phức tạp đáp ứng các tiêu chuẩn và các yêu cầu về sức khỏe, an toàn, môi trường, kinh tế – xã hội;
2. Có khả năng tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, tư duy khởi nghiệp; có đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp; ứng xử chuyên nghiệp;
3. Có khả năng thích nghi và tự định hướng nghề nghiệp chuyên sâu;
4. Có khả năng làm việc nhóm; có kỹ năng truyền đạt tri thức và sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong lĩnh vực chuyên môn;
5. Có trình độ ngoại ngữ TOEIC 600 hoặc tương đương; có kỹ năng sử dụng Công nghệ thông tin cơ bản theo quy định hiện hành (hiện tại là Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT);
6. Có khả năng tổ chức, quản trị và cải tiến các hoạt động thiết kế, thi công, khai thác – vận hành trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng công trình thủy, quản lý và khai thác tài nguyên nước.
HỌC SONG SONG HAI VĂN BẰNG
Với chương trình đào tạo tín chỉ được thiết kế linh hoạt, sinh viên có thể học cùng lúc hai văn bằng thuộc hai lĩnh vực xây dựng khác nhau. Do đó, tùy thuộc vào nhu cầu và năng lực của từng sinh viên, khi tốt nghiệp, ngoài được cấp bằng Kỹ sư xây dựng Công trình Thủy, sinh viên còn có thể được cấp thêm bằng Kỹ sư kỹ thuật công trình xây dựng, hoặc Kỹ sư kỹ thuật công trình giao thông, hoặc Kỹ sư kinh tế quản lý dự án.
CƠ HỘI VIỆC LÀM
Theo số liệu khảo sát, gần như 100% sinh viên Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thuỷ sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm phù hợp hoặc tự tạo được việc làm cho mình. Nhiều cựu sinh viên của trường hiện nay đang làm trong các viện nghiên cứu, quản lý, các công ty tư vấn, xây dựng công trình thủy, quy hoạch quản lý tài nguyên nước hàng đầu trên cả nước. Ngoài ra, nhiều sinh viên trong ngành ra trường cũng nhận được học bổng du học thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước tiên tiến trên thế giới.
VỊ TRÍ VIỆC LÀM SAU TỐT NGHIỆP
Sau khi tốt nghiệp, có thể tham gia vào các vị trí:
– Các Sở, Ban ngành liên quan đến tài nguyên nước, phòng chống thiên tai;
– Các Ban quản lý dự án xây dựng;
– Các Tổng công ty hoặc Công ty xây dựng;
– Giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng trong lĩnh vực xây dựng;
– Thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng;
– Có cơ hội nhận các suất học bổng du học sau đại học.